Alzheimer được biết là hội chứng suy giảm trí nhớ về các khả năng tư duy nghiêm trọng, bị thoái hóa não gây trở ngại cho cuộc sống thường nhật. Căn bệnh này thường có thể xuất hiện với người trên 65 tuổi, tuy nhiên, ngày nay mức độ Alzheimer năng tăng cao, xuất hiện ở người trong độ tuổi từ 50 trở đi. Hội chứng suy giảm trí nhớ này chiếm khoảng 60% đến 80% trong những bệnh làm suy giảm trí nhớ ở người.
Để giảm khả năng mắc bệnh Alzheimer khi về già, ngay từ khi còn trẻ, bạn nên tạo cho mình một lối sống lành mạnh và tích cực hơn. Dưới đây, là những điều bạn có thể làm để ngăn ngừa hội chứng Alzheimer, đồng thời giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống của chính bạn. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Xây dựng một thói quen tập thể dục
Ảnh: Pexels/ Valeria Ushakova
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tham gia 150 phút tập thể dục mỗi tuần (chỉ mất hai tiếng rưỡi) có thể trì hoãn một dạng di truyền của bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học cũng nói rằng tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe não bộ và tăng cường chức năng não bộ. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng hình thức tập yoga. Một đánh giá của 11 nghiên cứu cho thấy yoga có thể giúp giữ cho não bộ khỏe mạnh, tăng cường trí nhớ và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer.
Uống nhiều vitamin
Một số loại vitamin nhất định có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bổ sung Vitamin B, chịu trách nhiệm về việc tạo ra và duy trì các tế bào trong não, ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hơn. Ngoài ra, Vitamin E và D cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
Thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc MIND
Ảnh: Pexels/ Dmytro
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng theo chế độ ăn Địa Trung Hải cũng có thể trì hoãn sự tiến triển của bệnh Alzheimer so với những người ăn theo chế độ ăn tiêu chuẩn của phương Tây hoặc ăn uống thông thường. Nghiên cứu cho thấy những người ăn theo chế độ phương Tây có nhiều beta-amyloid lắng đọng hơn so với những người theo chế độ ăn Địa Trung Hải (beta-amyloid là một loại protein được biết là thu thập trong não của những người mắc bệnh Alzheimer). Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào nhiều rau, trái cây, chất béo lành mạnh, đậu và omega-3 có trong thực phẩm.
Ngoài ra, chế độ ăn uống MIND là một chế độ ăn uống có liên quan đến việc suy giảm nhận thức chậm hơn mà bạn có thể áp dụng. Thực phẩm được tiếp nạp vào cơ thể theo chế độ dinh dưỡng này bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng, rau xanh, lá, các loại rau khác, dầu ô liu, thịt gia cầm và cá.
Ngủ đủ giấc
Ảnh: Pexels/ Anna Nekrashevich
Vào những thời điểm bận rộn, thật khó để có thể tạo cho mình một chế độ sinh hoạt, bao gồm ngủ nghỉ và thư giãn hợp lý. Tuy nhiên, dù thật khó nhưng điều bạn cần làm là hãy sắp xếp thời gian biểu cho giấc ngủ đủ giờ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thường xuyên ngủ ít hơn mức cho phép (6 – 8 tiếng/ một ngày) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ nói chung. Do đó, hãy nhớ cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm thay vì “cú đêm” và ngủ nướng vào sáng hôm sau.
Tìm hiểu và học hỏi những điều mới
Chưa bao giờ là quá muộn để học hỏi điều gì đó mới mẻ. Tìm hiểu và học hỏi những kiến thức mới không những giúp phát triển sự tự tin, làm phong phú về mặt kiến thức mà còn giúp giữ cho bộ não của bạn nhạy bén hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng việc học một kỹ năng mới đòi hỏi sự tham gia của trí nhớ làm việc, trí nhớ dài hạn và các quá trình nhận thức cấp cao khác. Tất cả những điều này thực sự có thể giúp duy trì trí nhớ lâu dài. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn không ngừng học hỏi và làm mới bản thân hơn mỗi ngày, dù là tham gia một lớp học, tự nghiên cứu hay thậm chí chỉ sử dụng video YouTube để tìm hiểu điều gì đó mà bạn có hứng thú.
Kết nối với người xung quanh
Ảnh: Pexels/ Elina Fairytale
Lên kế hoạch với bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội không chỉ là niềm vui mà còn tốt cho sức khỏe của bạn. Một nghiên cứu cho thấy rằng, cảm thấy cô đơn có thể đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 40% trong những năm sau đó. Tuy nhiên, thay vì số lượng, hãy tập trung vào chất lượng của các mối quan hệ mà bạn đang có. Các nhà nghiên cứu tin rằng tình bạn thân thiết giúp mọi người giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Đồng thời, điều này cũng giúp ngăn ngừa sự cô đơn và suy giảm nhận thức ở người.
Giảm mức độ căng thẳng
Căng thẳng có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể của con người. Vì vậy, có lẽ không ngạc nhiên khi nghe nói rằng căng thẳng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Có một số lý do dẫn đến tình huống xấu về hội chứng suy giảm trí nhớ là căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, làm giải phóng cortisol, có liên quan đến các vấn đề về trí nhớ, đồng thời làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng… Đây được biết là hai yếu tố nghiêm trọng ảnh hưởng đến chứng sa sút trí tuệ. Để kiểm soát căng thẳng, bạn cũng có thể thực hành chánh niệm và thiền định mỗi ngày.
Chăm sóc trái tim của bạn
Ảnh: Pexels/ Eneida Nieves
Hãy chăm sóc trái tim của bạn theo nghĩa đen. Thực tế, có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan mật thiết giữa sức khỏe tim mạch với sức khỏe não bộ. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người cao niên có tinh thần minh mẫn bị xơ cứng động mạch có nhiều khả năng có các dấu hiệu của mảng não liên quan trực tiếp đến bệnh Alzheimer. Nói cách khác, một trái tim khỏe mạnh là một bộ não khỏe mạnh. Chăm sóc trái tim của bạn bằng cách ăn uống điều độ, duy trì hoạt động thể chất, uống nước và tránh uống quá nhiều rượu ngay từ bây giờ.
Duy trì cân nặng hợp lý
Một nghiên cứu cho thấy những người trên 50 tuổi thừa cân với chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) từ 25 trở lên có nhiều khả năng phát triển bệnh Alzheimer sớm hơn bảy tháng so với những người có cân nặng hợp lý. Mặc dù việc duy trì một trọng lượng khỏe mạnh sẽ không ngăn ngừa hoàn toàn bệnh Alzheimer, nhưng có thể làm trì hoãn sự phát triển của hội chứng suy giảm trí nhớ. Và, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cân nặng của mình để bảo đảm cho sức khỏe của bản thân luôn ở mức tốt nhất.