Đột quỵ xảy ra ở con người ngày càng cao. Thực tế, đột quỵ xảy ra với bất kỳ mọi người ở mọi độ tuổi. Đặc biệt, đối với những người có tiền sử gia đình về bệnh huyết áp và đột quỵ thì khả năng dẫn đến đột quỵ cao hơn so với các trường hợp thông thường.
Các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật ở Mỹ cho biết đột quỵ giết chết khoảng 140.000 người Mỹ mỗi năm và cứ sau 4 phút, sẽ có người chết vì đột quỵ. Ngoài ra, có khoảng 34% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi dưới 65. Những con số này là vấn đề đáng quan ngại về tình trạng sức khỏe của con người. Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra đối với những người ở độ tuổi trung niên hoặc già. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, ngày nay việc người trẻ có nguy cơ đột quỵ khá cao. Do đó, không chỉ người già mà người trẻ cũng cần phải có những kế hoạch cũng như biện pháp nhất định trong việc giảm nguy cơ đột quỵ.
Nói về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng mặc dù đột quỵ vô cùng nguy hiểm và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên chúng ta vẫn có biện pháp phòng ngừa cũng như giảm nguy cơ đột quỵ. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh quái ác mang tên “đột quỵ” và các biện pháp để giảm nguy cơ đột quỵ nhé!
Đột quỵ là gì?
Ảnh: Unsplash.com
Đột quỵ xảy ra khi máu chảy đến một vùng não bị cắt đứt. Khi bị đột quỵ, các tế bào não của bạn bị thiếu oxy dẫn đến tình trạng bắt đầu mất kiểm soát. Cơ bắp, thần kinh bị yếu hoặc tê liệt gây ra tình trạng mất khả năng nói. Có ba loại đột quỵ khác nhau: thiếu máu cục bộ, thiếu máu não thoáng qua và xuất huyết. Huyết áp cao thường là nguyên nhân hàng đầu của cả ba trường hợp trên.
Robert Segal – một bác sĩ về tim mạch cho biết: “Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi quá trình cung cấp máu cho não xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này chiếm khoảng 87% các trường hợp đột quỵ. Đột quỵ thiếu máu não thoáng qua thường được gọi là đột quỵ nhỏ, gây ra bởi một cục máu đông nghiêm trọng nhưng tạm thời. Và đột quỵ xuất huyết là do mạch máu bị vỡ, chẳng hạn như phình động mạch hoặc dị dạng động mạch.”
Một số biện pháp để giảm nguy cơ đột quỵ
Kiểm tra huyết áp
Ảnh: Unsplash.com
Vì huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Do đó, bạn cần phải kiểm tra tình trạng huyết áp của mình một cách thường xuyên. Đồng thời, tần số đo huyết áp của bạn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của chính bạn. Nếu bạn không bị huyết áp cao, bạn nên kiểm tra 2 năm một lần. Tuy nhiên, nếu bạn gặp vấn đề về huyết áp cao, hãy chắc chắn rằng phải thường xuyên kiểm tra huyết áp cũng như gặp bác sĩ để nhận được những lời khuyên cần thiết.
Sử dụng thực phẩm tốt cho tim mạch
Ảnh: Unsplash.com
Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là biện pháp vô cùng quan trọng trong việc giảm nguy cơ đột quỵ ở cơ thể người. Sử dụng nhiều sản phẩm tốt cho tim mạch như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, quả chín mọng và cá hồi… sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cũng như góp phần giảm nguy cơ đột quỵ của chính bạn và gia đình. Đồng thời, hạn chế sử dụng các sản phẩm gây hại cho tim mạch như thực phẩm chứa nhiều cholesterol…
Cung cấp nhiều thực phẩm chứa kali, hạn chế natri
Ảnh: Unsplash.com
Natri và Kali là hai thành phần quan trọng trong công cuộc giảm nguy cơ đột quỵ. Để giảm huyết áp, chúng ta phải hạn chế sử dụng natri và hấp thụ một lượng lớn kali vào trong cơ thể. Khi cơ thể chứa quá nhiều nước, huyết áp của chúng ta tăng lên. Lúc đó, natri dự trữ và giữ lại nước trong cơ thể. Ngược lại, kali được xem là chìa khóa giúp cân bằng lượng muối cũng như điều chỉnh chất lỏng trong cơ thể. Do đó, việc sử dụng nhiều sản phẩm chứa kali như đậu, bơ, khoai lang… giúp cơ thể đủ chất điện giải cần thiết, duy trì tình trạng ổn định của huyết áp. Đồng thời, hạn chế các sản phẩm chứa natri như thịt nguội, đồ hộp, bánh mì để giảm nguy cơ đột quỵ.
Vận động nhiều hơn
Ảnh: Unsplash.com
Việc lười biếng vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường cũng như dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác. Trái lại, việc duy trì vận động, dù chỉ 30 phút mỗi ngày cũng đủ để tạo ra một kết quả hoàn toàn khác biệt. Thay vì nằm dài hoặc ngồi trên sofa cả ngày, hãy tập thói quen vận động và tập thể dục thường xuyên hơn. Dùng 30 phút mỗi sáng hoặc mỗi tối để tập thể dục không chỉ làm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường mà còn giúp bạn kiểm soát được cân nặng và có một cơ thể săn chắc.
Bỏ thuốc lá
Ảnh: Unsplash.com
Xơ vữa động mạch là từng mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch.Mảng xơ vữa được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất có trong khói thuốc lá. Theo bác sĩ Segal, các mảng xơ vữa làm thu hẹp động mạch, giảm lưu lượng máu cũng như cản trở quá trình vận chuyển máu trong cơ thể, gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ. Một nghiên cứu từ tháng 9/2017 thuộc Thần kinh học theo dõi 3.000 đàn ông và phụ nữ sau khi trải qua một cơn đột quỵ, cho thấy việc bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể hơn so với những người không bỏ thuốc. Vậy nên, để giảm nguy cơ đột quỵ, ngay từ bây giờ hãy dừng lại việc hút thuốc cũng như sử dụng các chất độc hại cho cơ thể.
Bệnh tật xảy đến một cách bất ngờ khiến chúng ta không thể lường trước được. Tuy nhiên, thay vì tự hủy hoại mình bằng cách bỏ bê cơ thể và lạm dụng các chất độc hại thì hãy biết cách bảo vệ bản thân mình. Chính phương thức sống và sinh hoạt của chúng ta là sứ giả dẫn đường để bệnh tật tìm đến. Vậy nên, hãy làm những điều để tốt cho chính bạn cũng như không để bản thân phải hối tiếc về sau.